“Gió thổi mùa thu hương cốm mới…”, câu thơ đã thể hiện một hình ảnh vô cùng đặc trưng của Thủ đô khi mùa thu đến. Cốm Hà Nội chính là món quà dân dã nhưng thanh tao, thuần khiết từ “hạt ngọc của trời”.
Cốm Hà Nội – Một thức quà thanh tao của lúa non
Ngày nay, sự phát triển của xã hội đã tạo rất nhiều món ăn ngon. Cốm Hà Nội cũng đã được sản xuất quanh năm. Tuy nhiên cái thi vị được thưởng thức món cốm thơm ngon trong tiết trời thu mát mẻ vẫn rất cuốn hút người Hà Nội và cả du khách thập phương. Cốm còn được nhiều người sử dụng như một món quà biếu, tặng gia đình, bạn bè mỗi khi có dịp đến Hà Nội.
Vụ cốm mùa thu thường kéo dài khoảng 3 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 7 Âm lịch. Khi ấy, tiết trời dịu nhẹ, không quá nóng hay lạnh nên phù hợp để thưởng thức cốm. Cốm Hà Nội có màu xanh của lúa non, mùi thơm thoang thoảng của lá sen bọc bên ngoài, vị bùi của gạo non được giã tỉ mỉ khiến ai thử qua cũng đem lòng yêu mến.
Ở Hà Nội có hai làng cốm nổi tiếng hơn cả là làng cốm Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) và làng cốm Vòng (thôn Hậu, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Nghề làm cốm truyền thống ở hai địa phương này vẫn được giữ gìn với thành phẩm làm ra có hương vị riêng biệt, không thể nhầm lẫn với nơi khác.
Để được những mẻ cốm Hà Nội chuẩn vị phải qua nhiều công đoạn. Khi cây lúa mới bắt đầu hoe vàng là lúc người ta tự tay đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy. Bí quyết là phải cắt lúa đúng lúc, đúng thì bởi lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát, lúa non quá thì hạt cốm lại bết vào vỏ trấu, khó giã và nhão. Loại gạo để làm cốm cũng phải là loại gạo nếp đặc biệt như nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp cái hoa vàng.
Những người thợ buộc phải cắt lúa vào buổi sáng, tránh ánh nắng càng nhiều càng tốt vì nắng lên sẽ làm lúa khô nhựa, cốm sẽ không ngon, không dẻo. Lúa nếp non sau khi đem về được đãi sạch rồi cho vào chảo gang đúc để rang. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều, nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng thì bớt lửa đi. Người ta phải đảo liên tục, bởi chỉ cần quá lửa một chút là hạt cốm sẽ gãy.
Cốm rang xong phải để bên ngoài cho thật nguội rồi mới đưa vào cối giã với lực vừa phải. Nếu giã bằng tay phải giã đến bảy tám lần mới loại được hết vỏ trấu. Người giã cốm giã đến lần thứ 5 thì phân thành 3 loại: Cốm rót, cốm non và cốm già, sau đó mới giã riêng từng loại trong những lần cuối. Một mẻ cốm thành công sẽ có màu xanh và mùi thơm thoang thoảng cùng vị béo ngậy của lúa non. Lúc này, người thợ sẽ rải một lớp lá sen vào thúng, cho cốm vào để giữ mùi thơm.
“Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ.” Do đó, cốm thường được bốc từng miếng nhỏ để ăn, hoặc vo lại thành nắm nhỏ, vì không ai ăn cốm để no. Cốm Hà Nội có thể ăn cùng chuối để tăng hương vị và thường được ăn trực tiếp trong gói bóc từ lá sen. Khi cốm bắt đầu khô lại thì dùng để chế biến chả cốm, làm xôi, nấu chè cũng rất ngon.
Theo iVIVU.com
Click đặt ngay khách sạn Hà Nội giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
Nguồn: iVivu – Cốm Hà Nội – Một thức quà thanh tao của lúa non
Từ khóa: Cốm Hà Nội – Một thức quà thanh tao của lúa non – Cốm Hà Nội – Một thức quà thanh tao của lúa non